Tê ngón tay, bàn tay: Đừng cho là chuyện nhỏ

'Thời COVID-19', nhiều người chuyển sang làm việc từ xa và thường xuyên làm bạn với điện thoại, máy tính. Có người lại chạy xe nhiều hơn vì phải chở hàng, giao hàng. Nhiều người bắt đầu thấy có hiện tượng lạ: tê tay.

Vì sao tê bàn tay, ngón tay?

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tê tay là hội chứng ống cổ tay (theo thống kê có đến 5% dân số từng trải qua bệnh lý này).

Bệnh lý xảy ra do thần kinh giữa bị chèn ép bởi dây chằng ngang cổ tay. Thần kinh giữa bị chèn ép có thể gây ra các triệu chứng như tê, dị cảm (cảm giác như có kiến bò trên tay) đặc biệt ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1 phần ngón tay đeo nhẫn.

Người bệnh có thể tê các ngón tay hơn khi chạy xe, làm các động tác gập cổ tay như chắp tay cầu nguyện, và điển hình trong thời đại @ này là động tác gập cổ tay bấm điện thoại hay đánh bàn phím máy vi tính…

Ở mức độ nặng hơn, người bệnh có cảm giác đau, bỏng rát bàn tay cả khi nghỉ ngơi, có thể nặng lên trong lúc ngủ, làm họ tỉnh giấc.

Tê ngón tay, bàn tay: Đừng cho là chuyện nhỏ - Ảnh 2.

Dây thần kinh giữa bị chèn ép tại cổ tay gây tê vùng nửa trong bàn tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngoài ngón tay đeo nhẫn

Phần lớn hội chứng ống cổ tay không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên có khá nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này như các hoạt động thường xuyên lặp đi lặp lại vùng cổ tay (gập cổ tay gõ bàn phím máy vi tính, rung lắc cổ tay liên tục kéo dài như thợ mộc, thợ cưa).

Bệnh cũng có thể do thay đổi hormone hay do nguyên nhân chuyển hóa (ví dụ tiền mãn kinh, thai kỳ hay mất cân bằng tuyến giáp, đái tháo đường).

Hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường xảy ra nhất trên phụ nữ trung niên.

Chữa cách nào?

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như trên, bạn nên đến các bác sĩ để được thăm khám và điều trị trước khi thần kinh bị chèn ép nặng mất khả năng phục hồi. Các bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng và thường sẽ làm các nghiệm pháp tạo lại cảm giác tê bàn tay để chẩn đoán (nghiệm pháp Phalen, Tinel).

Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể cho chỉ định đo điện cơ nhằm kiểm tra các nhóm cơ được thần kinh giữa chi phối có bị ảnh hưởng chưa? Xác định thần kinh giữa có bị chèn ép không? Nếu có thì chèn ép là nặng hay nhẹ, có phù hợp với lâm sàng hay không.

Điều trị hội chứng ống cổ tay tùy vào từng giai đoạn nặng nhẹ. Ở giai đoạn đầu, thần kinh mới bị chèn ép, các bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị nội khoa với thuốc kháng viêm (đường uống hơặc chích vào ống cổ tay) kết hợp phục hồi chức năng như hoạt động trị liệu thay đổi thói quen sinh hoạt có hại hay các bài tập vật lý trị liệu vùng bàn tay.

Ở giai đoạn thần kinh bị chèn ép nặng nề hơn, không đáp ứng với điều trị thuốc, các bác sĩ sẽ phẫu thuật giải áp ống cổ tay (bằng kỹ thuật nội soi hoặc mổ mở).

Bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau làm tiểu phẫu, sinh hoạt bình thường ngay sau đó. Đối với trường hợp để lâu năm, chèn ép thần kinh nặng nề, teo cơ mô cái thì khả năng hồi phục sau mổ mất thời gian dài hơn.

TS TĂNG HÀ NAM ANH - ThS.BS ĐẶNG KHOA HỌC

Nguồn: https://tuoitre.vn/te-ngon-tay-ban-tay-dung-cho-la-chuyen-nho-2021060906445911.htm